Thang âm Việt  đến với sinh viên

VHO- Tọa đàm và biểu diễn về nghệ thuật sân khấu Cải lương chủ đề Thang âm Việt do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phối hợp Trường ĐH FPT TP.HCM thực hiện vừa diễn ra với sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo sinh viên.

Thang âm Việt  đến với sinh viên - Anh 1

 Sinh viên chp nh lưu nim cùng ngh sĩ, ngh nhân

 Tại đây, các bạn trẻ đã được giao lưu và tìm hiểu kiến thức qua phần chia sẻ của TS Mai Mỹ Duyên, nghệ nhân Phạm Thái Bình… Nhiều câu hỏi và thắc mắc được các bạn đặt ra như: Tại sao gọi là nghệ thuật sân khấu Cải lương? Cải lương là gì? Tại sao nói nghệ thuật Cải lương là sự giao lưu, tiếp biến văn hóa Đông - Tây?... Với lối diễn giải đầy đủ, súc tích, các diễn giả đã giới thiệu khái quát tiến trình hình thành và phát triển của nghệ thuật Cải lương từ chiếc nôi Đờn ca tài tử, đến loại hình Ca ra bộ và tiếp biến văn hóa Đông - Tây để có nghệ thuật Cải lương ngày nay, hiện đại mà đậm đà bản sắc, đã tồn tại hơn một thế kỷ qua, xứng đáng được mệnh danh là “Báu vật vùng đất phương Nam”.

Trả lời thắc mắc về bản Vọng cổ vì sao được gọi là “nhạc vua”, TS Mai Mỹ Duyên cho biết, bản nhạc này thể hiện được đầy đủ những cung bậc cảm xúc của con người. Và vì có độ dài về số nhịp của mỗi câu nên rất thuận lợi để người ca thể hiện cảm xúc, năng khiếu độc đáo về nhịp và cách sắp xếp ca từ. Vọng cổ ra đời gắn liền với tên tuổi của nhiều nghệ nhân, nhạc sĩ, song phải kể đến vai trò quan trọng của người nhạc sĩ đã viết ra bản đầu tiên: Dạ cổ hoài lang. Khi đó đất nước còn đang chịu ảnh hưởng của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ I, là thuộc địa của Pháp, biết bao thanh niên Việt Nam đã phải xung vào đội quân viễn chinh và tử trận. Họ để lại nơi quê nhà cha mẹ, vợ con và những người thân yêu khắc khoải mong chờ ngày sum họp…

Bối cảnh đau thương đó đã tác động mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm của các nghệ nhân, nhạc sĩ, trong đó có Ban tài tử Bạc Liêu do cụ Lê Tài Khí phụ trách. Cụ Lê Tài Khí hay còn gọi là “Nhạc Khị” đã phát động các thành viên trong ban nhạc sáng tác theo chủ đề “Chinh phu - Chinh phụ”. Tác giả Cao Văn Lầu đã sáng tác một bản nhạc theo chủ đề mà thầy Nhạc Khị khởi xướng. Bản nhạc hay bởi gắn với hoàn cảnh bi thương của tác giả: Vợ ông sau cưới 3 năm vẫn không có con nên cha mẹ khuyên ông từ hôn để cưới người khác. Hai người đành phải chia tay dù rất yêu thương nhau. Trong niềm đau khổ, nhớ nhung đó, ông đã mượn hình ảnh và niềm khát khao của người chinh phụ chờ chồng đi chinh chiến trở về để thay tiếng lòng của mình. Bản nhạc sáng tác vào năm 1918, ban đầu có 22 câu, có tên là Hoài lang (Nhớ chồng), sau nhờ sự phân tích, góp ý của các thành viên trong nhóm, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã chỉnh lại còn 20 câu và theo gợi ý của Sư Nguyệt Chiếu, bản nhạc được đổi tên là Dạ cổ hoài lang (Đêm nghe tiếng trống điểm canh nhớ chồng). Dạ cổ hoài lang còn được giới nhạc tài tử đặt tên là Vọng cổ (hướng về giá trị của tiền nhân để lại), và vì mỗi câu có 2 nhịp nên nó được gọi tên cụ thể hơn là Vọng cổ nhịp 2. “Tôi cũng xin mở ngoặc nói thêm, Dạ cổ hoài lang ra đời không lâu thì bác Cao Văn Lầu tái hợp với vợ, sinh được 7 người con và sống hạnh phúc bên nhau đến ngày bác mất năm 1976”, TS Mai Mỹ Duyên thông tin thêm.

Tương tự, chuyên gia tiếp tục “tháo gỡ” thắc mắc và cung cấp thêm nhiều kiến thức cho sinh viên. “Tại sao nói nghệ thuật Cải lương là sự giao lưu, tiếp biến văn hóa Đông - Tây?” Chuyên gia cho biết, nói như vậy, có lẽ phải xem xét lại nguồn gốc của thể loại sân khấu này. Có thể nói dễ hiểu, Cải lương có 2 nguồn gốc. Về âm nhạc, Cải lương kế thừa nhạc Tài tử, nhạc Hát bội, dân ca Nam Bộ, nhạc Tây phương (Tân nhạc) và âm nhạc các nước (tùy thuộc vào nội dung tuồng tích từ đất nước nào). Còn về diễn xuất, Cải lương kế thừa lối diễn của Hát bội (trong nước), Kinh kịch của Trung Hoa, kịch nói và Opera của châu Âu. Chính vì vậy, mà cụ Vương Hồng Sển - một nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ trong cuốn 50 năm mê hát đã viết: “Cải lương là đứa con lai, đứa con tập tàng…”. Mà đã là con lai, con tập tàng có nghĩa là kế thừa những cái hay cái đẹp của đời trước và tiếp nhận cái hay đẹp của đương đại để làm thành Cải lương - một thể loại sân khấu Việt Nam đậm đà tính dân tộc và hiện đại…

Cùng với phần chia sẻ của chuyên gia, nghệ nhân, các sinh viên cũng được thưởng thức nhiều tiết mục minh họa đặc sắc như: Ca ra bộ Bùi Kiệm thi rớt trở về, tân cổ giao duyên Tình đẹp mùa chôm chôm, trích đoạn Lã Bố hý Điêu Thuyền, trích đoạn Tiếng trống Mê Linh, ca cảnh Giữ mãi tinh hoa cho đời… Chương trình có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.

Có thể nói, Thang âm Việt đã mang đến cho sinh viên nhiều cảm xúc, các bạn được thưởng thức nghệ thuật, được học thêm nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử của loại hình nghệ thuật Cải lương và Đờn ca tài tử, qua đó góp phần làm cho bộ môn này được duy trì và ngày càng lan tỏa. 


 ANH HUY

Ý kiến bạn đọc